Một Số Thông Tin Khi Sử Dụng Chế Phẩm Vi Sinh Trong Nuôi Trồng Thủy Sản
Một số thông tin khi sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản
Nuôi trồng thủy sản hiện nay đang đối diện với những vấn đề về ô nhiễm môi trường nước, mầm bệnh…và sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản hiện nay được đánh giá là giải pháp hiệu quả, quan trọng, có vai trò ngày càng lớn vì khi sử dụng chế phẩm sinh học sẽ hạn chế tối đa mầm bệnh, ổn định môi trường nước, môi trường đáy ao, nâng cao sức đề kháng của tôm cá, giảm chi phí đầu tư, mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, chế phẩm sinh học không phải là thần dược và bất kỳ sản phẩn nào dù tốt hay xấu, đắt hay rẻ muốn sử dụng đạt hiệu quả còn do chính chúng ta sử dụng. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả người nuôi cần lưu ý một số điểm sau:
- Thành phần, hình thức và các chủng loại chế phẩm sinh học
– Thành phần: Gồm các vi khuẩn có lợi như Bacillus, Lactobacillus, Nitrosomonas, Nitrobacter… và các chất dinh dưỡng cung cấp cho hoạt động sống của vi khuẩn như các đường đơn, muối canxi, muối magiê…
– Hình thức: Các chế phẩm vi sinh thường có 2 dạng chính là dạng nước và dạng bột, trong đó dạng bột sẽ có mật độ vi khuẩn có lợi cao hơn (≥ 109 CFU/g) và dạng nước được chứa trong các thùng nhựa có mật độ vi khuẩn thấp hơn (≥ 107 CFU/ml).
– Chủng loại: Gồm loại chế phẩm dùng để xử lý môi trường trước, trong và sau khi nuôi (vi khuẩn chính là Bacillus) và loại chế phẩm trộn vào thức ăn (vi khuẩn chính là Lactobacillus) cho vật nuôi.
- Tác dụng của sử dụng chế phẩm sinh học (Probiotics) trong nuôi thủy sản.
2.1. Tác dụng của chế phẩm sinh học trong nước
– Kích thích sự phát triển của các vi sinh vật có lợi.
– Cạnh tranh môi trường sống làm giảm vi sinh vật có hại, ổn định môi trường ao nuôi.
– Giúp chuyển hóa các chất hữu cơ như thức ăn thừa, xác tảo, cặn bã thành chất vô cơ không độc hại cho tôm cá.
– Chuyển các chất độc hại như NH3 , NO2– … thành các chất không độc như NH4+ , NO3– …từ đó làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao.
2.2. Tác dụng của chế phẩm sinh học trong ruột tôm cá
– Kích thích vi khuẩn có lợi phát triển, cạnh tranh để giảm dần số lượng vi khuẩn gây bệnh đường ruột cho tôm cá.
– Tham gia quá trình biến dưỡng tạo vitamin, chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thức ăn để cung cấp năng lượng cho tôm cá.
– Tiết ra một số chất kháng sinh, enzyme hay hóa chất kìm hãm, tiêu diệt mầm bệnh, nâng cao sức đề kháng cho tôm cá.
– Kích thích quá trình bắt mồi và chuyển hóa thức ăn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.
- Nguyên tắc sử dụng chế phẩm sinh học
– Không sử dụng chế phẩm vi sinh đồng thời với kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn.
– Sử dụng đúng liều lượng, không nên theo quan niệm sử dụng càng nhiều càng tốt.
– Chế phẩm vi sinh dạng bột nên dùng nước của ao nuôi hòa tan và sục khí mạnh 2 – 4 giờ trước khi sử dụng để gia tăng sinh khối vi khuẩn.
– Chế phẩm vi sinh dạng nước nên ủ yếm khí để gia tăng sinh khối trước khi sử dụng.
– Thời gian xử lý vi sinh tốt nhất vào khoảng 8 – 10h sáng, lúc nắng ấm, trời trong và hàm lượng oxy hòa tan cao.
– Cần định kỳ xử lý vi sinh để duy trì mật độ vi khuẩn thích hợp nhằm kiểm soát sinh học môi trường nước và đáy ao, ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi, ngăn ngừa các loài vi khuẩn gây bệnh, tảo độc và mầm bệnh tiềm tàng trong ao.
- Các yếu tố môi trường ao nuôi ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng chế phẩm sinh học
– Oxy hòa tan: Vi khuẩn hiếu khí (Bacillus) và vi khuẩn hiếu khí nghiêm ngặt (VK nitrat) phải đảm bảo lượng oxy hòa tan đầy đủ có hiệu quả sử dụng. Khi oxy hòa tan thấp sẽ sử dụng kém hiệu quả.
– Độ kiềm, độ mặn: Nước có độ kiềm từ 80 – 150mg/l CaCO3 thì pH ổn định, nước có độ kiềm ≤ 50mg/l CaCO3 khiến pH dao động dẫn tới hiệu quả sử dụng vi sinh thấp. Độ mặn quá cao có thể gây chết hoặc ức chế sinh trưởng của vi sinh.
– Thời tiết: Ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của tảo và màu nước và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vi sinh. Sử dụng vi sinh tốt nhất vào buổi sáng trời trong.
– Dinh dưỡng: Cần bổ sung C thì vi khuẩn nitrat mới thực hiện phản ứng khử N-NH3 thành NO3 có hiệu quả.
- Thời gian và tần suất sử dụng:
– Nên sử dụng vi sinh ngay từ đầu vụ sẽ mang lai hiệu quả cao nhất.
– Sử dụng vi sinh từ giữa vụ đến cuối vụ cho hiệu quả thấp hơn so với việc sử dụng men vi sinh ngay từ đầu vụ.
– Đầu vụ, 7 – 10 ngày sử dụng một lần, từ giữa đến cuối vụ 3 – 4 ngày sử dụng một lần.
- Liều lượng sử dụng:
– Sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Sử dụng quá nhiều liên tục sẽ gây mất cân bằng sinh thái, oxy hòa tan giảm, vật nuôi dễ bị kích ứng stress.
– Sử dụng quá ít hiệu quả sẽ không cao hoặc không mang lại hiệu quả.
- Nuôi cấy tăng sinh khối vi khuẩn:
– Một số chế phẩm vi sinh cần phải nuôi cấy để tăng số lượng vi khuẩn, cần nuôi cấy yếm khí để tránh tạp nhiễm.
– Một số chế phẩm vi sinh có mật số vi khuẩn cao không cần nuôi cấy tăng sinh khối có thể sử dụng trực tiếp vào ao nuôi. Tuy nhiên cần hòa vào nước và sục khí mạnh vài giờ trước khi tạt vào ao nuôi.
- Một số nhân tố khác ảnh hưởng hiệu quả sử dụng men vi sinh:
– Nguyên sinh động vật quá nhiều sẽ ăn vi khuẩn dẫn tới mật độ vi sinh giảm thấp.
– Sử dụng đồng thời chất diệt khuẩn, kháng sinh, thay nước…sẽ giảm hiệu quả sử dụng vi sinh.
* Lưu ý: Nên bảo quản chế phẩm sinh học tránh nơi có ánh nắng trực tiếp vì sẽ làm chết các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm sinh học. Nếu sử dụng không hết gói thì nên gói kỹ phần còn lại nhằm tránh ẩm để không bị đóng cục. Nên chọn những sản phẩm ở những nơi có đăng ký nhãn hiệu rõ ràng, những sản phẩm có công bố chất lượng và quan trọng nhất là những sản phẩm đó nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Chu Văn Trí (Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Quảng Ninh)